Nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của sức khỏe thể chất, tinh thần, chúng ta sẽ có động lực tìm ra cách thích nghi phù hợp nhất cho bản thân để có thể bình yên cả về thể chất và tinh thần đi qua mùa dịch...
Những ngày này, Hà Nội – nơi vốn ồn ào, đông đúc – bỗng trở nên yên ắng, vắng lặng một cách kỳ lạ do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Việc trải qua giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài quả thực cũng không dễ dàng lắm. Nhiều khi nó dễ làm cho con người nảy sinh trạng thái chán chường, mệt mỏi, bức bối, mất ngủ… Điều này xảy ra cả với những người quá nhàn hoặc quá bận rộn trong mùa dịch. Có những người có thể mất việc làm, có những người làm online ở nhà nhưng lại bộn bề công việc vì vừa phải đảm bảo các kế hoạch, cộng với việc chăm lo cho con cái…Mọi thứ quả là không hề dễ dàng nhất là ở nơi phồn hoa đô hội, đất chật người đông.
Chính vì thế, để đảm bảo sức khỏe tinh thần qua mùa dịch, mỗi người cần dành thời gian lắng nghe bản thân nhiều hơn, thấu hiểu tâm trạng của mình nhiều hơn để từ đó sớm có giải pháp để giữ sự cân bằng cho thể chất và tinh thần.
Theo các chuyên gia tâm lý, để giữ thân khỏe tâm an, trước hết chúng ta cần ăn ngủ điều độ, ăn vừa đủ, không để cơ thể bị thừa cân, tránh gây bệnh từ ăn uống. Nhưng quan trọng đó là cần chăm sóc cho giấc ngủ của mình. Mùa dịch đến, nhiều người cảm thấy chán nản nên sau khi hoàn thành công việc sẽ lọ mọ thức đêm, sau đó lại ngủ ngày. Điều này sẽ rất có hại cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cũng như trí tuệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy người lớn nên ngủ đủ khoảng 7 tiếng, ngủ trước 23 giờ và thức dậy lúc 5 – 6 giờ sáng. Chúng ta nên ngủ sớm và tránh lướt mạng 1 tiếng trước khi đi ngủ. Ngoài ra, chất lượng giấc ngủ quan trọng hơn cả số giờ ngủ. Bạn có thể đọc sách hoặc vận động nhẹ nhàng sẽ giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ. Điều đó giúp cho giấc ngủ sâu hơn, chất lượng hơn và ngủ dậy sẽ cảm thấy sảng khoái.
Bên cạnh đó, tốt nhất chúng ta nên duy trì thói quen sinh hoạt giờ nào việc nấy. Khi làm việc nên thoát tất cả những trang mạng xã hội, zalo, facebook… để tập trung cho công việc một cách tốt nhất, tránh trì hoãn sẽ gây ra cảm giác chán nản khi hết một ngày mà chưa làm được gì. Ngoài ra, đối với những gia đình có con nhỏ nên cân bằng giữa công việc, việc nhà và thời gian thư giãn của bản thân cũng như chăm sóc con cái để giúp cho thân tâm cân bằng.
Một yếu tố quan trọng không kém đó là tập thể dục tại nhà. Có rất nhiều người lấy lý do mùa dịch không được đến phòng gym, không có bạn tập cùng, không có không gian để đi bộ, bận chăm sóc con cái… nên trì hoãn việc tập thể dục. Đây là sự ngụy biện do chưa ý thức rõ lợi ích của việc tập luyện với sức khỏe, đặc biệt trong mùa dịch. Hiện nay, những hình thức tập thể dục tại nhà rất dễ thực hiện. Đơn cử như chạy bộ tại chỗ, đạp xe tại chỗ, đấm bốc, khí công, yoga… hoàn toàn có thể tập trong nhà. Thậm chí, đơn giản nhất bạn chỉ cần bật youtube nhảy hoặc tập theo những bài tập trên mạng cũng là rất tuyệt vời. Điều này cũng giúp nâng cao sức khỏe trong mùa dịch.
Kế đến, đó là sự cân bằng các trạng thái cảm xúc. Giữ được cảm xúc cân bằng giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tinh thần. Theo các chuyên gia, chúng ta nên giữ cho cảm xúc không thái quá, luôn tích cực, lạc quan, đặc biệt tránh nóng giận, lo lắng thái quá. Đặc biệt, chúng ta không nên quan tâm quá nhiều đến các loại tin tức tiêu cực chưa kiểm chứng, vì sẽ làm chúng ta bị căng thẳng không cần thiết; ngay cả tin tức trong mùa dịch chúng ta chỉ nên cập nhật mỗi ngày một lần qua các trang tin tức chính thống để nắm được tình hình; chúng ta không chủ quan nhưng cũng đừng lo lắng thái quá.
Các chuyên gia chia sẻ rằng, có một bí quyết rất đơn giản là bạn hãy chú ý những con số thống kê. Một con số thống kê mang tính khách quan sẽ giúp bình an hơn. Cụ thể, nếu chỉ để ý đến số người chết vì Covid-19 bạn sẽ luôn lo lắng, nhưng nếu để ý con số người khỏi bệnh rất cao thì sẽ thấy tỷ lệ người chết do Covid-19 rất nhỏ. Tỷ lệ người mắc Covid-19 là hàng ngàn mỗi ngày, đồng thời tỷ lệ người khỏi bệnh cũng tương ứng. Khi bạn để ý đến mọi khía cạnh của vấn đề thì sẽ thấy lo lắng thái quá là không cần thiết, sẽ gây ảnh hưởng tâm trạng khiến ta ăn không ngon, ngủ không yên, mất cân bằng tâm lý, dẫn đến sinh tâm bệnh.
Điều cuối cùng chúng ta hãy coi dịch Covid-19 là cơ hội để làm mới bản thân mình, nâng cấp giá trị và trí tuệ của bản thân mình. Dịch bệnh sẽ còn kéo dài, có thể chỉ lắng một thời gian và có thể bùng phát bất kỳ lúc nào nên chúng ta phải luôn chuẩn bị tinh thần sống chung với Covid-19. Trong giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài, chúng ta chỉ bị “hạn chế giao tiếp trực tiếp” chứ không bị “hạn chế cơ hội giao tiếp”.
Trên thực tế, có rất nhiều hình thức chia sẻ giúp chúng ta giải tỏa tâm trạng mà không cần ra ngoài hay gặp nhau trực tiếp, đơn cử như video call (chức năng gọi điện có kèm hình ảnh), hay tự tạo ra các cộng đồng giao tiếp thân thiết thông qua các mạng xã hội. Việc xây dựng và duy trì mối quan hệ có chất lượng cũng góp phần giảm căng thẳng trong mùa dịch. Ngoài ra, chúng ta có thể tham gia các cộng đồng, các nhóm có uy tín, chia sẻ những kiến thức nuôi dạy con, phát triển bản thân, đọc sách, thay đổi tư duy hay bất cứ kỹ năng nào liên quan đến công việc mà bạn muốn nâng cao.
Rất nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh rằng, giai đoạn giãn cách xã hội là cơ hội để mỗi chúng ta làm mới bản thân. Mỗi người có thể tận dụng khoảng thời gian này để thực hiện những mục tiêu mà trước đây đã bỏ lỡ, như học thêm những điều bổ ích hoặc dành thêm thời gian cho người thân, gia đình cũng như bạn bè.
Đặc biệt, nếu chúng ta hiểu cũng như nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của sức khỏe thể chất, tinh thần, chúng ta sẽ có động lực tìm ra cách thích nghi phù hợp nhất cho bản thân để có thể bình yên cả về thể chất và tinh thần đi qua mùa dịch.
Chúc bạn luôn bình an trước mọi biến động bên ngoài để có bình an từ bên trong tâm hồn!